Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 2

* MẸ MARIA TRỞ LẠI JERUSALEM;

 * MẸ MARIA CHIẾN THẮNG SATAN;

 * CÔNG ĐỒNG CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ

 Sau cái chết khốn nạn khủng khiếp của Herode, Giáo Hội sơ khai tại Jerusalem được phần nào yên ổn trong một thời gian tương đối. Trong thời gian này các thánh Barnabê và Phaolô rao giảng rất kết quả. Thánh Phaolô làm nhiều phép lạ tại những thành thị vùng Tiểu Á, Antiokia, Lystra, Perge và các miền khác, được thánh Luca kể trong Chương 13 và 14 Tông Đồ Công Vụ. Thánh Phêrô đã rời khỏi Jerusalem tới ngụ tại một miền khác thuộc Tiểu Á không thuộc quyền Herode cai trị. Từ trú sở đó, ngài lãnh đạo các tín hữu tụ về Giáo Hội Tiểu Á và các Giáo Hội tại Palestine. Tất cả các tín hữu nhìn nhận và vâng phục thánh Phêrô vì ngài là Đại Diện Chúa Giêsu Kitô, là Thủ Lãnh toàn thể Giáo Hội. Mọi người tin rằng tất cả những điều thánh Phêrô sắp đặt và ban hành dưới trần gian đều được phê chuẩn trên trời. Với lòng tin này, mọi người đến trình bày với ngài mọi điều hoài nghi và khó khăn của họ. Các tín hữu xin thánh Phêrô giải quyết những nghi vấn của một số Kitô hữu Do Thái nêu lên liên quan tới các việc làm và những lời giảng dạy của thánh Phaolô và Barnabê tại Jerusalem và Antiokia, chống lại việc cắt bì theo luật Maisen, như được thánh Luca ghi trong Chương 15 Tông Đồ Công Vụ.

 Nhân dịp này các thánh Tông Đồ, các môn đệ ở Jerusalem xin thánh Phêrô trở lại thành thánh để ổn định các tranh luận này và thiết lập trật tự, ngõ hầu việc rao giảng đức tin không bị cản trở. Từ ngày Herode chết, người Do Thái không còn ai hỗ trợ đàn áp các Kitô hữu nữa, Giáo Hội được yên hàn hơn tại Jerusalem. Mọi người cũng xin thánh Phêrô mời Đức Hiền Mẫu Chúa Giêsu trở lại Jerusalem. Tất cả mọi tín hữu đều âu yếm thiết tha mong mỏi, ngóng chờ được an ủi và hy vọng sự thịnh vượng cho Giáo Hội về mọi phương diện nhờ sự hiện diện của Mẹ. Do các đề nghị này, thánh Phêrô quyết định trở lại Jerusalem ngay. Trước khi lên đường về Jerusalem, ngài viết thơ sau đây gởi Đức Hiền Mẫu:

 

 ”Kính cẩn trình lên Đức Maria, Đấng Khiết Trinh, Mẹ Thiên Chúa,  Con là Phêrô, Tông Đồ Chúa Giêsu Kitô, tôi tớ Đức Trinh Mẫu và là đầy tớ các đầy tớ Thiên Chúa.”

 

”Kính thưa Đức Hiền Mẫu, một số nghi vấn và điểm dị biệt xảy ra giữa các tín hữu liên quan tới giáo lý của Chúa Cứu Thế, Con Đức Hiền Mẫu. Đó là luật Maisen cũ có phải được tuân giữ chung với các giáo huấn của Chúa Cứu Thế không. Các tín hữu muốn được chúng con cho họ biết điều nào đúng, và chúng con nói cho họ nghe những điều chúng con đã nghe được từ miệng Thầy chí thánh. Để tham khảo các anh em con là các Tông Đồ, bây giờ con đi về Jerusalem. Khi về tới Jerusalem, con sẽ thông báo mời các thành khác. Chúng con kính mời Mẹ cũng về Jerusalem để mọi người được hưởng tình yêu thương an ủi của Mẹ. Từ ngày Herode chết, người Do Thái hiền hoà hơn. Các tín hữu được tự do hơn. Toàn thể các người theo Chúa Kitô ước ao gặp Mẹ và được an ủi nhờ Mẹ hiện diện; nhờ sự giúp đỡ của Mẹ, những điều hữu ích cho Đức Tin thánh thiện và cho sự tuyệt vời của Luật Ân Sủng sẽ được thiết lập.”

 Vì khiêm tốn phục tòng, Đức Hiền Mẫu không đọc bức thơ của Vị Đại Diện Chúa Kitô nếu không có ý kiến và sự hiện diện của thánh Tông Đồ Gioan. Sau khi đọc trình bức thơ cho Mẹ Maria, thánh Tông Đồ hỏi Mẹ: Mẹ nghĩ điều gì tốt nhất để phúc đáp Vị Đại Diện Chúa Kitô. Cả trong vấn đề này Mẹ cũng không muốn tỏ ra ngang hàng hoặc bề trên của thánh Tông Đồ, trái lại Mẹ thích vâng lời hơn. Mẹ đáp: “Con và chúa công của mẹ, con hãy sắp đặt sao cho thích hợp, mẹ xin vâng theo.” Thánh Sử trình Mẹ rằng đối với ngài thì có lẽ tốt nhất là vâng lời thánh Phêrô và lập tức trở lại Jerusalem. Mẹ Maria nói: “Thật là chính đáng phải vâng phục Vị Thủ Lãnh Giáo Hội, chúng ta hãy chuẩn bị để khởi hành ngay từ bây giờ.”

 Thánh Gioan đi kiếm tầu về Palestine, chuẩn bị các thứ cần thiết cho chuyến đi cấp thời. Trong khi đó, theo lời Thánh Sử yêu cầu, Mẹ Maria mời tất cả các phụ nữ Mẹ quen biết và các môn đệ tại Ephesô, để từ biệt và chỉ dạy mọi điều họ phải làm để kiên trì trong Đức Tin.

 Tới ngày khởi hành, Mẹ Maria xin thánh Gioan chúc lành trước khi lên tầu. Tính ra Mẹ và thánh Gioan ở Ephesô hai năm rưỡi. Khi Mẹ và thánh Gioan rời khỏi nhà tạm trú, các thiên thần hộ vệ Mẹ hiện rõ hình người ta, nhưng toàn thể đạo binh thiên quốc được xếp thành đội ngũ trang bị để giao chiến. Cảnh lạ lùng này cho Mẹ hiểu Mẹ phải chuẩn bị tiếp tục chiến đấu chống lại khủng long và các đồng bọn của nó. Trước khi tới bờ biển, Mẹ thấy vô số đạo quân hỏa ngục, dưới nhiều hình thù quái đản, đón Mẹ. Giữa đám đó là con rồng bảy đầu hết sức khủng khiếp, khổng lồ có thể lớn hơn cả chiếc tàu lớn, hung ác ghê rợn đến độ chỉ sự hiện diện của nó cũng đủ gây ra kinh hoàng. Để chống lại các lực lượng khủng khiếp này, Đức Nữ Vương uy quyền trang bị bằng đức tin mãnh liệt và tình yêu nồng nàn tột đỉnh, Mẹ nhắc lại lời Thánh Vịnh và những lời từ miệng chính Con Cực Thánh nói ra. Thánh Sử không biết gì về trận chiến này cho tới mãi về sau Mẹ Maria mới nói việc đó với ngài.

 Tầu rời bến ngay khi Mẹ Maria và thánh Gioan tới. Nhưng chỉ vừa mới rời bến được một khoảng ngắn, lũ quỉ hỏa ngục, lợi dụng sự được phép, đã khuấy động biển cả bằng trận bão kinh khủng xưa nay không hề thấy. Thiên Chúa Toàn Năng muốn tôn vinh quyền năng Chúa và thánh đức Mẹ Maria nên để cho sự quỉ quyệt và sức mạnh hỏa ngục được tự do như thế trong trận chiến này. Những lớp sóng gầm ghê rợn, dồn dập dâng lên, cuồng phong dường như còn vượt trên cả những đám mây, tạo thành những cơn sóng bạc đầu cao như núi, chẳng khác gì chúng sẵn sàng phá vỡ các ranh giới vực thẳm bao vây đại dương. Con tầu bị xô đánh chòng chành nghiêng ngả, nhưng lạ lùng là con tầu không bị vỡ tan mỗi lần bị sóng đánh. Đôi lần con tầu bị tung lên tới tận mây, những lần khác bị nhận xuống đáy biển. Một đôi lần các cánh buồm và cột buồm bị chôn trong những lớp sóng bạc đầu. Trong một vài trận đụng độ của cơn cuồng phong khủng khiếp không thể diễn tả này, chiếc tàu được các thiên thần giữ ở trên không trung để khỏi bị những lớp sóng cồn vũ bão nhận chìm.

 Các thủy thủ và hành khách nhận thấy các hiệu lực của sự giúp đỡ này, nhưng vẫn không biết nguyên do. Không tự kềm chế được trong cơn hiểm nghèo, họ than khóc nguy cơ chết chóc hầu như không thể nào thoát khỏi. Ma quỉ gia tăng khủng bố; chúng lấy hình người ta, lớn tiếng kêu các thủy thủ chẳng khác gì chúng từ những chiếc tầu bên cạnh tới cứu nguy và xúi họ bỏ tầu sang những tầu khác để cứu lấy mạng sống. Mặc dầu tất cả các tầu ở vùng biển đó đều chịu trận bão, nhưng cơn cuồng nộ của ma quỉ và toàn lực tác hại của chúng tập trung chính vào chiếc tầu trên đó có Mẹ Maria, tình trạng nguy hiểm và hư hại nơi các tầu khác không đáng kể. Các thủy thủ tin rằng những tiếng kêu gọi đó là từ nơi các hành khách và thủy thủ thực. Bị lừa dối như thế nên một vài lần các thủy thủ buông xuôi không lèo lái con tầu nữa hy vọng thoát chết nhờ sang được tàu khác. Nhưng các thiên thần đã lèo lái khi các thủy thủ bỏ cuộc vì tuyệt vọng phó mặc con tầu cho sóng cồn phá vỡ.

 Giữa tình trạng hỗn loạn hiểm nghèo này, Mẹ Maria vẫn bình tĩnh kiên cường. Đồng thời Mẹ thực hành mọi thánh đức anh hùng tỉ lệ thuận với nhu cầu cấp bách của dịp đó theo sự khôn ngoan của Mẹ. Trải qua những nguy hiểm trên biển cả trong chuyến đi này, trái tim Mẹ Maria trào lên lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người phải đi trên biển. Đức Trinh Mẫu cũng ca tụng sức mạnh bất khuất của đại dương. Mẹ suy gẫm về cơn thịnh nộ do đức công thẳng của Thiên Chúa được trình bày hết sức rõ ràng qua thụ tạo vô linh tính này. Từ những suy nghĩ này chuyển sang những suy nghĩ về tội lỗi nhân loại: nhân loại kéo cơn thịnh nộ của Đấng Toàn Năng xuống trên chính họ, Mẹ sốt sắng cầu nguyện cho việc thế giới ăn năn trở lại, Mẹ dâng lên Chúa những cực khổ trong hành trình này để xin cho thế giới nhận biết tin thờ Chúa và phát triển Giáo Hội.

 Ngoài sự lo âu và đau đớn riêng mình, thánh sử Gioan chia sẻ những đau khổ trong hành trình này với Đức Hiền Mẫu. Những đau đớn này quá sức lớn lao đối với thánh Gioan vì lúc đó ngài không biết những gì trải qua trong trí khôn Đức Trinh Mẫu rất thánh. Một vài lần ngài tìm cách an ủi Mẹ mà cũng an ủi chính ngài bằng cách giúp đỡ và làm cho Mẹ khuây khỏa. Hải trình từ Ephesô về Palestine thường chỉ mất sáu ngày, chuyến này mất mười lăm ngày, trong đó mười bốn ngày giông bão. Một hôm thánh Gioan mất nhuệ khí vì tình trạng khó khăn khôn lường cứ kéo dài, không còn kiềm hãm được, ngài nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, giông bão này là gì? Chúng ta có bị chết chìm trong biển không? Xin Mẹ xin Thiên Chúa Con Mẹ đoái nhìn chúng ta bằng cặp mắt Hiền Phụ và bảo vệ chúng ta trong cơn nguy khốn này.” Đức Hiền Mẫu đáp: “Con của mẹ, đừng lo. Lúc này chúng ta phải chiến đấu những cuộc chiến đấu của Chúa, chiến thắng các kẻ thù của Chúa bằng lòng can đảm kiên cường chịu đựng. Mẹ xin Chúa không để một ai ở với chúng ta bị hủy diệt, Chúa không ngủ, Đấng canh giữ dân Israel (Tv 70:4). Các thiên thần Chúa giúp đỡ bảo vệ chúng ta. Chúng ta hãy chịu đau khổ vì Chúa, Đấng đã hy sinh trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại.” Lời Mẹ giúp thánh Gioan củng cố được lòng can đảm cần thiết.

 Lucifer và bọn quỉ dữ điên cuồng đe doạ Đức Nữ Vương rằng Người sẽ chết chìm trong biển chứ không thể sống thoát. Những lời đe dọa này chẳng qua chỉ là những mũi tên vô dụng. Đức Hiền Mẫu không đếm xỉa gì tới chúng, cũng chẳng nghe những lời đó, cũng chẳng nói với chúng một lời. Trái lại chính chúng không dám ngay cả tới liếc nhìn dung nhan Mẹ vì hiệu lực Đấng Tối Cao từ thánh nhan Mẹ toả ra. Chúng càng cố gắng kháng cự hiệu lực này, chúng trở nên càng yếu đuối và bị hành hạ hơn nữa vì sức mạnh huyền nhiệm mà Chúa đã mặc cho Mẹ rất thánh của Chúa.

 Thánh Phaolô và Barnabê biết việc Mẹ Maria trở lại Jerusalem khi các ngài tới thành thánh. Vì nhiệt thành ước ao gặp Mẹ, thánh Phaolô và Barnabê lập tức tìm gặp Mẹ, các ngài quì nơi chân Mẹ, đẫm lệ vì vui mừng. Mẹ Maria không kém vui mừng khi gặp hai thánh Tông Đồ, những người mà Mẹ đã ấp ủ tình yêu thương đặc biệt trong Chúa vì những vất vả gian khổ nhiệt tâm của các ngài để tôn vinh thánh danh Thiên Chúa và rao giảng Đức Tin. Mẹ Maria muốn hai thánh Tông Đồ trước tiên gặp thánh Phêrô và các thánh Tông Đồ khác, sau cùng mới gặp Mẹ. Mẹ cho mình là cuối chót trong mọi người. Nhưng hai thánh Tông Đồ vì lòng tôn kính yêu mến nghĩ rằng không một ai khác có thể được yêu quí hơn Mẹ, Đấng là Mẹ Thiên Chúa, Bà Chúa muôn loài, là khởi đầu mọi hạnh phúc của chúng ta. Mẹ Maria quì trước mặt hai thánh Tông Đồ, hôn tay các ngài và xin các ngài chúc lành. Dịp này thánh Phaolô được đặc ân thị kiến lạ lùng, trong đó ngài được mạc khải cho biết nhiều mầu nhiệm và đặc quyền cao cả về Mẹ Maria rất thánh, Thành Thánh Huyền Nhiệm của Thiên Chúa.

 Thánh Phêrô, thủ lãnh Giáo Hội, đã triệu tập các thánh Tông Đồ và môn đệ khi đó đang ở Jerusalem và lân cận, mời mọi người họp trước sự hiện diện của Mẹ Maria. Thánh Phêrô đã dùng quyền Đại Diện Chúa Kitô ngõ hầu Đức Trinh Mẫu khiêm tốn không vắng mặt tại hội đồng. Khi mọi người tụ họp đông đủ, thánh Phêrô nói:

 

“Thưa quí huynh đệ và con cái của tôi trong Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta, điều cần thiết là chúng ta tụ họp để giải quyết những khó khăn cùng quyết định các việc, mà huynh đệ yêu dấu nhất Phaolô và Barnabê của chúng ta cho biết, và để quyết định những vấn đề khác liên quan tới việc phát triển Đức Tin. Để xin ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp thi hành việc hệ trọng này, chúng ta sẽ kiên trì cầu nguyện trong mười ngày như truyền thống. Vào ngày thứ nhất và ngày cuối chót, chúng ta sẽ cử hành Thánh Lễ, nhờ đó chuẩn bị trái tim chúng ta đón nhận ơn Chúa soi sáng.” Tất cả các thánh Tông Đồ và môn đệ tán thành việc sắp xếp này. 

Để cử hành Thánh Lễ đầu tiên sáng ngày hôm sau, Mẹ Maria chuẩn bị sảnh đường Nhà Tiệc Ly, chính tay Mẹ lau chùi trang trí chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho việc Hiệp Thông chính Mẹ cùng với các thánh Tông Đồ và môn đệ trong các Thánh Lễ này. Thánh Phêrô cử hành mọi nghi thức phụng vụ Thánh Lễ.

 Thánh Phêrô trao Thánh Thể Chúa cho các thánh Tông Đồ và môn đệ, Mẹ Maria là người sau chót rước Thánh Thể Chúa. Nhiều thiên thần từ thiên đàng xuống Nhà Tiệc Ly. Mọi người hiện diện đều nhìn thấy các thiên thần. Khi thánh hiến Thánh Thể, Nhà Tiệc Ly chan hòa ánh sáng và hương thơm lạ lùng, qua đó Chúa ban những hiệu lực tuyệt diệu trong linh hồn mọi người hiện diện. Sau khi cử hành Thánh Lễ thứ nhất, mọi người đồng ý về số giờ kiên trì cầu nguyện tối đa có thể mà không xao lãng việc phục vụ cần thiết cho các linh hồn. Mẹ Maria lui về một nơi, tại đó Mẹ ở một mình suốt mười ngày không ăn uống, cũng không nói gì với bất cứ ai. Trong thời gian này Mẹ biết được những mầu nhiệm lạ lùng mà các thiên thần phải ngỡ ngàng.

 Tác giả chỉ xin sơ lược một phần nhỏ. Sau khi rước Thánh Thể vào ngày thứ nhất, Mẹ Maria lui về cầu nguyện một mình, và do thánh ý Chúa, Mẹ Maria được đưa lên thiên đàng cả hồn xác. Một thiên thần thay dạng Mẹ để các thánh Tông Đồ tại Nhà Tiệc Ly không biết Mẹ vắng mặt. Khi Mẹ Maria tới ngoại tầng không gian, Thiên Chúa Toàn Năng truyền lệnh cho Lucifer và các quỉ hỏa ngục phải tới trình diện Đức Nữ Vương Maria. Lập tức tất cả mọi quỉ hoả ngục đều đến trước mặt Mẹ. Mẹ thấy và nhận biết tất cả chúng theo tình trạng xưa và nay. Cảnh tượng đó làm cho Mẹ đau lòng, vì chúng hết sức quái đản, ghê tởm. Nhưng Mẹ được trang bị bản chất thần linh, để không bị tổn hại vì cảnh tượng hãi hùng ghê tởm này. Trái lại bọn ma quỉ phải khốn khổ tột cùng vì Chúa cho chúng hiểu sự cao cả và tối thượng của Vị Phụ Nữ, mà chúng đã liên tục khủng bố vì là kẻ thù của chúng. Chúng được cho thấy chúng đã tự phụ ngông cuồng như thế nào trong những nỗ lực chống lại Người. Điều làm cho chúng kinh sợ hơn nữa là chúng thấy Chúa Kitô trong Nhiệm Tích Thánh Thể hiện diện trong ngực Mẹ Maria, và Thiên Chúa bảo vệ Mẹ chẳng khác gì được bao bọc trong chính Thiên Chúa để làm cho chúng phải nhục nhã.

 Các quỉ dữ nghe tiếng Thiên Chúa phán: “Ta sẽ luôn luôn bảo vệ Giáo Hội của Ta bằng khiên thuẫn này của cánh tay uy quyền bất khả địch và uy dũng của Ta. Vị Phụ Nữ này sẽ đạp giập đầu cựu xà (Stk 3:15), sẽ đời đời chiến thắng lòng kiêu căng ngạo mạn của nó vì vinh quang thánh danh Ta.” Các ma quỉ thấy và hiểu mọi mầu nhiệm này cùng các mầu nhiệm khác nữa về Mẹ Maria rất thánh trong khi chúng bị bắt phải miễn cưỡng run rẩy tụ họp chung quanh Mẹ. Chúng cảm thấy tuyệt vọng đau đớn nát tan cùng cực đến độ chúng lớn tiếng la thét kêu: “Xin quyền năng Thiên Chúa lập tức liệng chúng tôi xuống hoả ngục, xin đừng bắt chúng tôi phải ở trước mặt Vị Phụ Nữ này, Người làm cho chúng tôi đau đớn khổ sở hơn lửa hoả ngục. Ôi Vị Phụ Nữ bất khả địch và uy dũng chừng nào! Xin Bà lùi xa chúng tôi, vì chúng tôi không thể trốn thoát khỏi sự hiện diện của Bà, nơi mà chúng tôi bị trói chặt bởi xiềng xích của Đấng Toàn Năng. Tại sao Bà cũng hành hạ chúng tôi trước khi chúng tôi đáo hạn? (Mt 8:29). Trong cả loài người một mình Bà là công cụ của Đấng Toàn Năng chống lại chúng tôi; qua Bà mà loài người có thể giành lại được hạnh phúc vĩnh cửu họ đã mất. Những người đã chìm đắm trong tuyệt vọng không bao giờ được hưởng thánh nhan Thiên Chúa đời đời, bây giờ nhờ công nghiệp của Đấng Cứu Chuộc, được thấy dung nhan của Bà là phần thường của họ. Nhưng vì lòng hận thù của chúng tôi, việc thấy Bà là sự hành hạ, là hình phạt đau đớn cho chúng tôi. Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, xin thả chúng tôi đi, xin ngưng hình phạt mới này, trong đó Chúa làm mới lại hình phạt chúng tôi bị đuổi khỏi thiên đàng. Chúa thi hành hình phạt đã đe chúng tôi bằng việc kỳ diệu này do quyền năng vô cùng của Ngài.”

 Giữa những than khóc tuyệt vọng này, các quỉ hoả ngục bị làm cho rũ liệt trước sự hiện diện của Đức Nữ Vương trong một thời gian dài. Mặc dầu đã tận lực trốn chạy, chúng không được phép đào thoát bao lâu lòng cuồng nộ của chúng còn xúi giục chúng. Để nỗi kinh hoàng vì ở trước mặt Mẹ Maria rất thánh làm cho chúng đau khổ thấm thía hơn nữa và trở nên rõ ràng hơn nữa, Chúa định rằng chính Mẹ dùng quyền năng là Bà Chúa, là Nữ Vương của Mẹ, cho phép chúng đi. Ngay khi Mẹ Maria cho phép, mọi quỉ dữ tận lực lao mình từ trời cao xuống đáy hỏa ngục. Chúng lớn tiếng tru tréo, khủng bố các linh hồn bị trầm luân bằng những hành hạ mới. Tuyệt vọng, thống khổ và không thể chối việc chúng bị bại, chúng tuyên xưng quyền năng Thiên Chúa Toàn Năng và Đức Hiền Mẫu rất thánh. Sau chiến thắng khải hoàn này, Đức Nữ Vương tiếp tục đi tới thiên cung, tại đây Người được đón rước cách hân hoan đáng ca ngợi lạ lùng, và ở lại thiên cung hai mươi bốn giờ.

 Mẹ Maria phủ phục trước toà Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, thờ lạy Thiên Chúa trong bản thể duy nhất uy nghi cao cả. Mẹ cầu nguyện cho Giáo Hội để các thánh Tông Đồ có thể hiểu và quyết định mọi điều thích đáng cho việc thiết lập Luật Phúc Âm và chấm dứt Luật Maisen. Mẹ nghe từ ngai toà Thiên Chúa tiếng đáp lại các điều Mẹ xin; Thiên Chúa Ba Ngôi, hứa trợ giúp các thánh Tông Đồ và môn đệ trong việc tuyên xưng và minh xác chân lý hằng sống. Thiên Chúa Cha hứa hướng dẫn việc minh xác chân lý bằng Quyền Năng vô cùng. Thiên Chúa Con, là thủ lãnh Giáo Hội, hỗ trợ Giáo Hội bằng Sự Khôn Ngoan vô cùng. Chúa Thánh Thần, Phu Quân của Giáo Hội, giúp đỡ Giáo Hội bằng Tình Yêu Thương và ơn soi sáng. Kế đó Đức Hiền Mẫu thiên đàng thấy nhân tính cực thánh của Con Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha các lời nguyện cầu, mà chính Mẹ đã dâng thay cho Giáo Hội. Chúa Con nêu lên lý do tại sao các lời cầu xin đó cần phải được đáp ứng, ngõ hầu Đức Tin vào Phúc Âm và toàn thể Thánh Luật có thể được thiết lập khắp địa cầu theo thánh ý Thiên Chúa.

 Lập tức, để thi hành thánh ý và đề nghị này của Chúa Kitô, Mẹ Maria thấy từ Thiên Chúa hiện ra hình dáng một Đền Thờ đẹp lộng lẫy, trong sáng, huy hoàng, chẳng khác gì được xây bằng kim cương hoặc pha lê lóng lánh, trang trí nhiều hình ảnh trên men và hình nổi để tăng thêm vẻ tráng lệ. Các thần thánh thấy hình ảnh đó đã ngạc nhiên xưng tụng: “Lạy Chúa, Chúa là Thánh, Thánh, Thánh và quyền năng nơi các kỳ công của Chúa” (Kh 4:8). Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh đặt Đền Thờ này trong tay nhân tính cực thánh Chúa Kitô, và, theo cách không thể diễn tả, Chúa Kitô liên kết Đền Thờ đó (tức là Giáo Hội) với Chính Chúa. Liền sau đó, Chúa trao Đền Thờ cho Đức Hiền Mẫu rất thánh. Ngay khi Mẹ Maria đón nhận Đền Thờ (Giáo Hội), Mẹ được bao phủ bởi ánh sáng huy hoàng mới. Mẹ tan biến đi trong chính Mẹ, tiếp đến Mẹ nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi, rõ ràng và trực quan, thị kiến hạnh phúc tuyệt vời.

 Mẹ Maria ở trong niềm hân hoan này nhiều tiếng đồng hồ. Những điều Mẹ được hưởng đều vượt quá khả năng hình dung của mọi thụ tạo. Mẹ được các thiên thần đưa trở lại Nhà Tiệc Ly, trong tay Mẹ giữ Đền Thờ huyền nhiệm nhận từ Thiên Chúa Con Mẹ. Mẹ tiếp tục cầu nguyện suốt chín ngày không chút gián đoạn. Mẹ phân phát các kho tàng Ơn Cứu Độ cách riêng biệt cho người công chính và các thánh từ ngày đó cho tới tận thế, tùy theo mức độ siêu nhiên được tiền định từ thuở đời đời. Thiên Chúa Con ký thác việc thi hành các việc này nơi Mẹ Maria, trao cho Mẹ quyền trên toàn thể Giáo Hội và quyền phân phát mọi ân sủng, mà mỗi người nhận được nhờ công nghiệp Ơn Cứu Chuộc.

 Vào ngày thứ mười, thánh Phêrô cử hành Thánh Lễ, tất cả mọi người rước Thánh Thể như trong ngày thứ nhất. Kế đó mọi người cầu xin Chúa Thánh Thần trước khi bàn thảo giải đáp các khó khăn xảy đến trong Giáo Hội. Thánh Phêrô, là thủ lãnh và thượng tế, nói đầu tiên, kế đến thánh Phaolô, thánh Barnabê, thánh Giacôbê thứ, như thánh Luca tường thuật trong Chương 15 Tông Đồ Công Vụ. Quyết định đầu tiên của Công Đồng này là: luật cắt bì và luật Maisen không buộc phải thi hành đối với các tín hữu được rửa tội; vì các tín hữu được hưởng Ơn Cứu Chuộc đời đời do Nhiệm Tích Thanh Tẩy và Đức Tin vào Chúa Kitô. Thánh Luca chính thức kể lại chỉ có một quyết định này, nhưng còn nhiều quyết định khác nữa liên quan tới việc quản trị và nghi lễ trong Giáo Hội, ngõ hầu chận đứng một số lạm dụng đem vào Giáo Hội do lòng nhiệt thành của một số tín hữu. Công Đồng này được coi là Công Đồng I các thánh Tông Đồ, mặc dầu trước kia các ngài đã họp để lập Kinh Tin Kính và các việc khác. Trong kỳ hội họp để lập Kinh Tin Kính chỉ có các thánh Tông Đồ tham dự, lần này có cả các môn đệ là thành viên. Thể thức bàn thảo và quyết định vấn đề cũng khác nữa, như thánh Luca ghi: “Thánh Linh Thiên Chúa và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em,...” (Tđcv 15:28).

 Quyết định này của Công Đồng được thông báo bằng thư gởi tới các tín hữu, các giáo đoàn tại Antiokia, Syria và Cicilia; thánh Phaolô, Barnabê và các môn đệ khác được ủy thác việc chuyển giao thơ này. Để chứng tỏ việc Chúa phê chuẩn quyết định này của Công Đồng, khi bức thư về quyết định này được đọc trước mặt mọi người hiện diện tại Nhà Tiệc Ly và các tín hữu tại Antiokia, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống dưới hình lưỡi lửa rõ ràng, ngõ hầu tất cả mọi tín hữu được an ủi và vững mạnh trong chân lý Công Giáo. Mẹ Maria tạ ân Chúa vì các hồng ân đã ban cho Giáo Hội. Lập tức thánh Phaolô, thánh Barnabê cùng với các vị khác lên đường chuyển đạt quyết định của Công Đồng. Để an ủi các ngài, Mẹ cho các ngài thánh tích từ áo Chúa Kitô và một vài thứ khác Mẹ vẫn còn giữ về Khổ Hình Cứu Chuộc. Mẹ dành cho các ngài sự bảo vệ và lời cầu nguyện của Mẹ. Mẹ tiễn các ngài đi với ơn an ủi và sức mạnh tinh thần làm hành trang để đương đầu với các vất vả khổ cực đang chờ đợi. Suốt tiến trình Công Đồng, quyền lực từ Mẹ Maria gây ra kinh hoàng cho Lucifer và bè lũ. Vì không thể tới gần Nhà Tiệc Ly, chúng cố liều lảng vảng xa xa, nhưng không thể nào thực thi quỉ kế gì chống lại các thành viên Công Đồng. Ôi thời kỳ hạnh phúc, và Công Đồng hạnh phúc!

 LỜI MẸ MARIA

 

 Con của Mẹ. Do lòng kiên trì và quyết tâm chịu đựng bất khả địch của Mẹ, Mẹ đánh bại ma quỉ. Theo gương sáng của Mẹ, con hãy kiên trì trong ân sủng để giành được triều thiên vĩ đại. Bản tính loài người và bản chất các thiên thần (mặc dầu chúng là ma quỉ) thuộc các điều kiện trái ngược nhau. Bản chất thiên thần không mỏi mệt, còn bản chất loài người yếu đuối, dễ mỏi mệt và ngã quỵ vì vất vả khổ cực. Vì bản chất loài người yếu đuối, ngay khi mới gặp bất cứ khó khăn gì trong việc thực hành nhân đức, nó ngã lòng và quay trở lại. Điều hôm nay nó hân hoan theo đuổi, ngày mai nó đã chán chường khinh rẻ. Điều hôm nay có vẻ vừa ý, ngày mai nó đã cho là khó chịu. Lúc này nó ước ao, rồi lại không muốn nữa. Đôi khi nó nồng nàn nhiệt tâm, đôi lúc lãnh đạm thờ ơ. Nhưng ma quỉ không bao giờ mỏi mệt hoặc đuối sức trong nỗ lực cám dỗ các linh hồn. Tuy nhiên Thiên Chúa Toàn Năng khôn ngoan vô cùng quan phòng đã giới hạn và kiềm chế quyền lực ma quỉ; chúng không thể vượt quá mức độ được ấn định cho chúng, cũng không thể tác dụng toàn lực bất kiệt của chúng để hành hạ các linh hồn. Mặt khác Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của loài người, ban cho ân sủng và sức mạnh để chống lại và chiến thắng kẻ thù trên chiến trường được ấn định.  

 Vì thế, việc các linh hồn không kiên định nhiệt tâm giữ vững vị thế của họ trong cơn cám dỗ, thiếu kiên trì chịu đựng các khó khăn khi làm việc lành và chống lại ma quỉ là điều không thể tha thứ. Khuynh hướng đam mê lôi kéo người ta hướng về cảm giác và khoái lạc đột nhiên xuất hiện trên đường nhiệm vụ. Trong khi đó, ma quỉ xảo quyệt tinh ranh tìm cách thổi phồng tính chất khó khăn, sự khó chịu của việc hãm mình, cho rằng hãm mình phạt xác nguy hại cho sức khỏe và sinh mạng. Như thế nó lừa dối làm cho vô số linh hồn lao mình xuống hết vực thẳm này tới vực thẳm khác.

Con của Mẹ, con thấy sự lầm lạc này hết sức thông thường đối với các tư tưởng thế tục, nhưng hết sức kinh tởm trước mắt Chúa và Mẹ. Nhiều người yếu đuối, nao núng, miễn cưỡng thi hành nhân đức hoặc hãm mình đền tội, lại mạnh mẽ tích cực khi làm điều xấu xa. Họ kiên trì trong việc phục vụ ma quỉ, sẵn sàng thi hành những công việc khó khăn và gay go khi phạm tội hơn là thi hành các giới răn Chúa và thực hành nhân đức. Họ tỏ ra chậm chạp đần độn trong việc cứu vớt linh hồn họ, nhưng lại nhiệt thành mạnh mẽ tự chất lên mình án trầm luân đời đời.

 Cả những người theo đuổi cuộc sống trọn lành cũng thường chịu phần nào sự thiệt hại này, nếu họ quá quan tâm đến những khó khăn trong đời sống trọn lành. Bị lôi cuốn vào cạm bẫy này, những người đó chậm chạp tiến tới sự trọn lành, tạo cho ma quỉ nhiều cơ hội chiến thắng. Con của Mẹ, để con không phải chịu điều nguy hiểm này, con hãy suy gẫm về lòng kiên cường bền chí mà Mẹ đã chống lại Lucifer và toàn thể hoả ngục. Con cũng học sự cao thượng mà Mẹ chống lại những lừa dối và cám dỗ của nó. Mẹ không để bị bối rối. Mẹ cũng không chú ý chút nào tới chúng. Đây là phương cách tốt nhất chiến thắng lòng kiêu căng ngạo mạn của nó. Mẹ cũng không bao giờ chểnh mảng trong các nỗ lực, hoặc xao nhãng thực hành các nhân đức. Để chiến thắng những kẻ thù đó, Mẹ gia tăng nỗ lực thực hành nhân đức, cùng với những lời cầu nguyện van xin và nước mắt. Bởi vậy Mẹ khuyên con cũng làm như thế với sự cảnh giác cao độ, vì những cám dỗ đến với con không phải loại thường, chúng trực tiếp tấn công con với mánh khóe xảo trá cao độ nhất. Mẹ đã cảnh cáo con về điều này nhiều lần và kinh nghiệm này là bài học cho con.

 Con đã thấy nỗi kinh hoàng tột độ gây ra cho ma quỉ khi chúng thấy Thánh Thể Chúa ngự trong Mẹ, Mẹ muốn con chú ý tới hai điều. Thứ nhất là để lật đổ hoả ngục và gây kinh hoàng cho ma quỉ, tất cả các Nhiệm Tích của Giáo Hội đều là những phương tiện có uy lực rất mạnh; nhưng hơn hết là Thánh Thể Chúa. Đây là một trong các mục đích huyền nhiệm của Chúa Con Mẹ khi lập Nhiệm Tích tối cao này và các Nhiệm Tích khác. Ở trần gian, người ta ít khi cảm thấy các hiệu lực uy quyền này là vì người ta năng lãnh nhận các Nhiệm Tích nhưng để mất phần lớn lòng tôn kính phải có. Con hãy tin chắc rằng những linh hồn nào năng lãnh nhận các Nhiệm Tích với lòng tận hiến sốt sắng đều khiến ma quỉ kinh sợ; các linh hồn đó phát huy quyền lực mạnh, khống chế ma quỉ theo cùng cách con đã thấy và mô tả về quyền lực đó nơi Mẹ. Lời giải thích sự kiện này là: nơi các linh hồn trinh trắng, uy lực linh thánh này phát huy chẳng khác gì nơi chính bản thể của mình. Trong Mẹ hiệu lực uy quyền đó tác động tới mức tột đỉnh nơi một thụ tạo, vì vậy Mẹ gây ra sự kinh hoàng như thế cho bọn quỉ dữ.